Độc tính Bạch_tuộc_đốm_xanh

Bạch tuộc đốm xanh dù có kích cỡ nhỏ nhưng lại chứa đủ độc tố để giết hai mươi sáu người trưởng thành trong vài phút. Vết cắn của chúng nhỏ và thường không gây đau đớn, nhiều nạn nhân không hề nhận ra họ đã bị nhiễm độc cho tới khi họ bắt đầu bị giảm áp hô hấp và bị liệt.[7] Vẫn chưa có chất kháng nọc độc của bạch tuộc đốm xanh.[8]

Nọc độc

Bạch tuộc đốm xanh tại New South Wales, Australia

Bạch tuộc đốm xanh tiết ra nọc độc chứa tetrodotoxin, histamine, tryptamine, octopamine, taurin, acetylcholinedopamine. Nọc độc của nó có thể gây buồn nôn, ngừng thở, suy tim, nghiêm trọng hơn là tê liệt toàn thân, mù lòa thậm chí dẫn đến tử vong trong vòng vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Nguyên nhân tử vong thường là nghẹt thở do tê liệt cơ hoành.

Thành phần chính trong độc tố thần kinh của bạch tuộc đốm xanh là một hợp chất ban đầu được gọi là maculotoxin nhưng sau đó được đồng nhất với tetrodotoxin,[9] một chất độc thần kinh thường được tìm thấy trong cá nóc cũng như một số loài ếch phi tiêu độc khác.[10] Tetrodotoxin độc hơn 1.200 lần so với xyanua.[11] Tetrodotoxin chặn các kênh natri, gây tê liệt vận động, ngừng hô hấp trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc. Độc tố tetrodotoxin được sản xuất bởi vi khuẩn trong tuyến nước bọt của con bạch tuộc.[12]

Nạn nhân thường bị nhiễm độc do phơi nhiễm nọc độc của bạch tuộc đốm xanh. Theo bản năng, khi đối mặt với nguy hiểm, loài động vật này sẽ chạy trốn. Tuy nhiên, nếu mối đe dọa vẫn còn hiện hữu, nó sẽ buộc phải tự vệ đồng thời phô ra bên ngoài những chiếc đốm màu xanh của nó. Khi con bạch tuộc bị dồn ép đến đường cùng và rồi ai đó bất cẩn chạm vào nó, anh ta sẽ có nguy cơ bị cắn và bị trúng độc.[13]

Tetrodotoxin có thể được tìm thấy trong hầu hết các cơ quan cùng các tuyến cơ thể của loài bạch tuộc đốm xanh. Ngay cả những khu vực nhạy cảm của cơ thể, loại chất độc này vẫn có mặt mà không gây ra tác động đối với các chức năng bình thường của nó.[14] Có thể là do loài bạch tuộc này có hệ thống tuần hoàn độc nhất. Trên thực tế, bạch tuộc mẹ sẽ tiêm chất độc thần kinh vào đứa con của mình khi còn trong trứng để khiến bào thai tự tạo nọc độc trước khi nở.[15]

Phản ứng

Tetrodotoxin gây tê liệt toàn thân nghiêm trọng. Nạn nhân ngộ độc tetrodotoxin có thể nhận thức đầy đủ về môi trường xung quanh nhưng không thể di chuyển cơ thể. Do tình trạng tê liệt, họ không có cách nào để báo hiệu cũng như thể hiện tình trạng ngặt nghèo nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ. Tương tự như ngộ độc curare hoặc pancuronium bromide, nạn nhân vẫn hoàn toàn tỉnh táo và cảnh giác. Ảnh hưởng của tetrodotoxin chỉ là tạm thời và chất độc này sẽ dần bất hoạt trong một vài giờ khi được cơ thể chuyển hóa và bài tiết.

Các triệu chứng khác nhau về mức độ nghiêm trọng. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao nhất vì kích thước cơ thể nhỏ.

Điều trị

Phương pháp sơ cứu khi bị trúng độc là tạo sức ép lên vết thương đồng thời hô hấp nhân tạo một khi tình trạng tê liệt đã khiến các cơ hô hấp của nạn nhân bị vô hiệu hóa. Điều này thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi bị cắn. Do nọc độc chủ yếu gây chết người thông qua sự tê liệt, nạn nhân thường sẽ được cứu nếu hô hấp nhân tạo kịp thời và duy trì việc này trước khi chứng xanh tím và hạ huyết áp xảy ra. Sơ cứu bằng hô hấp nhân tạo cho đến khi nạn nhân hỗ trợ y tế sẽ tăng cơ hội sống sót của nạn nhân lên đáng kể.[13][16] Tại các cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được cho thở máy đến khi cơ thể được loại bỏ độc tố. Các nạn nhân sống sót sau hai mươi bốn giờ đầu kể từ lúc ngộ độc tetrodotoxin thường hồi phục hoàn toàn.[17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bạch_tuộc_đốm_xanh http://www.barrierreefaustralia.com/the-great-barr... http://www.cbsnews.com/news/tiny-but-deadly-spike-... http://animal.discovery.com/convergence/oceans-dea... http://www.toxinology.com/generic_static_files/csl... http://www.cephbase.utmb.edu/spdb/genusgroup.cfm?G... //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21165679 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22983011 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23053367 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/619451 //pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8016850